Danh mục sản phẩm
Tư vấn khách hàng
-
5 loa di động đáng chú ý có giá dưới 1 triệu đồng
Không ai muốn nghe nhạc qua chiếc loa nhỏ và rè của... -
Đánh giá vòng đeo tay thông minh Xiaomi Mi Band: ngon, bổ, rẻ!
Không có quá nhiều những tính năng đặc biệt, không... -
Một tháng nhịn tiêu pha, tân sinh viên sắm được tai nghe
Chất lượng thiết kế tốt, chất âm hay và tất... -
Mở hộp quạt cây Xiaomi Mi Smart Fan tại Việt Nam: Thiết kế chất lừ, chạy không cần cắm điện
Chiếc quạt này được được thiết kế khá nhỏ...
Chi tiết tin
Một tháng nhịn tiêu pha, tân sinh viên sắm được tai nghe
Ngày Đăng : 26/08/2016 - 11:05 PM
Chất lượng thiết kế tốt, chất âm hay và tất cả đều có giá dưới 1 triệu đồng!
Kỳ thi tuyển sinh năm 2016 đã kết thúc và đây là thời điểm tuyệt vời để các tân sinh viên chuẩn bị hành trang bước chân vào cổng trường đại học. Trong thời đại công nghệ lên ngôi, những chiếc laptop, tablet hay smartphone sẽ là “vũ khí” quan trọng hỗ trợ các bạn trong quá trình học tập cũng như giải trí, trò chuyện với bạn bè, người thân.
Bên cạnh những thiết bị “cần phải có” trên, một chiếc tai nghe tốt sẽ giúp các bạn thỏa mãn niềm đam mê âm nhạc, xem phim, học ngoại ngữ hoặc hỗ trợ nghe gọi. Tuy nhiên, để tìm ra một chiếc tai nghe đúng chất “sinh viên”: ngon, bổ và rẻ là một điều không hề giản đơn. Chúng tôi sẽ gỡ rối cho bạn đọc ngay sau đây!
Venture Electronics Monk Plus (180.000 VNĐ)
Cái tên đầu tiên trong danh sách này thật khó để thoát khỏi VE Monk Plus - chiếc earbud gây bão trên head-fi nửa đầu năm 2016 với giá bán không thể tin nổi: 5 USD! Tương đương với 5 bữa sáng của một người Việt nhưng Monk Plus sở hữu vẻ ngoài đẹp mắt với housing trong suốt, chất lượng hoàn thiện tốt, chắc chắn, không nhựa thừa 1 cách rẻ tiền.
Là một tai nghe earbud nhưng Monk Plus sở hữu âm bass chắc, khỏe, gọn gàng tuy lượng bass chỉ ở mức vừa phải. Dải mid không theo xu hướng ngọt ngào, nịnh tai như những anh bạn đến từ Yuin, Audio-Technica mà thiên về sự mộc mạc, tự nhiên và ấm nhẹ. Treble đánh tơi, thoáng đãng, chi tiết tốt mặc dù vẫn còn xuất hiện sib nhẹ ở những bản thu có chất lượng kém (như của Yao Si Ting hay Thùy Chi chẳng hạn).
Âm trường vẫn luôn là điểm mạnh của earbud so với dòng in-ear và Monk Plus cũng không phải là ngoại lệ. Mặc dù không thể so sánh đựơc với những chiếc headphone tầm trung nhưng sự tách biệt giữa nhạc cụ và giọng hát trên một không gian rộng lớn thể hiện khá rõ ràng. Cảm giác đeo thoải mái, chất âm thoáng đãng nhẹ nhàng, nghe lâu không bị mệt tai - những fan earbud cũng chỉ mong có vậy mà thôi.
Xét về sự đa năng, khó có thể nói rằng Ve Monk Plus đánh tạp tốt mọi thể loại nhạc, chiếc earbud này thực sự hợp với nhạc vàng, vocal, jazz và đâu đó là những bài nhạc pop nhẹ nhàng. Dù "động cơ" của Venture Electronics khi bán tai nghe của mình với giá rẻ mạt có là gì đi nữa, Monk Plus vẫn thực sự là một món hời cho những người vừa mới chập chững bước chân vào thế giới âm thanh.
SoundMagic
SoundMagic E10/E10S/E10M/E10C (giá giao động 650.000 VNĐ - 890.000 VNĐ)
SoundMagic E50/E50S (990.000 VNĐ)
(Bản S/M/C có thêm microphone, cụm tăng giảm âm lượng, chất âm có sự khác biệt nhưng không đáng kể)
Có lẽ không phải nói quá nhiều về SoundMAGIC, đã 6 năm kể từ ngày thương hiệu này thâm nhập thị trường Việt Nam nhưng những chiếc tai nghe giá rẻ của SoundMAGIC bao giờ hết hot. Với tên tuổi đã được thừa nhận qua àng loạt giải thưởng quốc tế từ Stuff, what hi-fi,..., những SoundMAGIC PL11, E10, E50 đã đưa rất nhiều bạn trẻ Việt đến với niềm đam mê âm thanh những ngày đầu tiên.
Trong phân khúc giá dưới 1 triệu đồng, cả SoundMagic E10 lẫn E50 đều sở hữu thiết kế rất bóng bẩy, hầu hết linh kiện như củ tai (housing), microphone, jack cắm đều được làm từ kim loại chắc chắn - đồng thời xử lý gia công rất cẩn thận, tạo cảm giác sang trọng, đắt tiền.
SoundMagic E10C
Bên cạnh đó, những cải tiến nhỏ như dây dẫn dày dặn, chống xoắn rối và đặc biệt là jack chữ L thiết kế nghiêng 60 độ (trên phiên bản S/M/C) sẽ giúp người dùng sử dụng tai nghe một cách thoải mái - không còn sợ đứt ngầm ở chân jack chữ I như phiên bản E10 cũ.
Điểm qua thông số kĩ thuật với trở kháng thấp, độ nhạy cao, cặp đôi E10/E50 không quá cầu kì trong việc phối ghép với nguồn phát: cắm chay tốt với smartphone, laptop, PC cũng như có sự khác biệt (nhưng không quá lớn) khi kết hợp với những chiếc DAC/AMP tầm trung của FiiO, iBasso hay Topping.
Chất âm của mỗi phiên bản E10 hay E50C cũng không hoàn toàn giống nhau - dù tất cả đều theo xu hướng đánh tạp tốt mọi thể loại nhạc. Theo thời gian, dải bass trên những thế hệ sau dần được cân bằng giữa lượng và chất - không còn dư quá nhiều về lượng dẫn đến mất kiểm soát, mid, treble được trau chuốt tỉ mỉ, cùng với đó là âm hình và độ chi tiết có sự cải thiện rõ ràng.
Tuy nhiên, nếu xét về chỉ số hiệu năng/giá thành (p/p) thì cặp đôi E50/E50S vẫn chưa đạt mức bá đạo như E10/E10S/E10M/E10C. Dải bass đầm, treble thanh thoát hơn nhưng dải mid chưa gây được ấn tượng quá nhiều, có lẽ điểm nổi trội của E50/E50S là khả năng phối ghép với những chiếc portable DAC/AMP như Topping, Fiio,... để cải thiện chất âm của mình.
Xiaomi Piston
Xiaomi Piston Youth: 265.000 VNĐ
Xiaomi Piston 3.0: 350.000 VNĐ
Xiaomi Piston Iron: 425.000 VNĐ
Tiếp nối sự thành công trong dòng tai nghe in-ear với Piston 2, Piston 3 hay Piston Young, Xiaomi tiếp tục làm mới dòng sản phẩm này khi trình làng chiếc Xiaomi Piston Iron vào tháng 11/2015. Chiếc tai nghe này ghi điểm với thiết kế sang trọng từ kim loại, độ hoàn thiện cao và chất lượng gia công cực tốt. Hệ thống housing, dây, jack, mic điều khiển cũng được chăm chút để mang lại cho người dùng cảm giác sử dụng thoải mái nhất.
Xiaomi Piston Iron
Về chất âm, Iron cũng có sự thay đổi đáng kể so với 2 phiên bản tiền nhiệm Piston 2, Piston 3 đặc biệt là ở dải trầm ấn tượng. Bass của Piston Iron trầm hùng, mạnh mẽ, lan tỏa và thiên về lượng hơn là về chất. Nếu để ý, chúng ta sẽ dễ dàng nhận ra bass có phần bloated, boomy để tạo độ fun cao cho những bài nhạc Dance hay EDM rất được ưa chuộng hiện nay.
2 dải âm còn lại không có quá nhiều sự thay đổi so với phiên bản tiền nhiệm Piston 3.0: mid lùi, ấm áp và treble đủ tới, tập trung xử lý ở phần lower-treble để tạo cảm giác không gian tốt cho người nghe. Tuy nhiên, khả năng tách lớp nhạc cụ cũng như thể hiện các cung bậc âm thanh là chưa thật sự tốt, điều này cũng ảnh hưởng đôi chút đến âm trường "hạn hẹp" của chiếc tai nghe này.
Xiaomi Piston 3.0
Bên cạnh Piston Iron, phiên bản tiền nhiệm Piston 3.0 cũng là một sự lựa chọn không tồi khi sở hữu thiết kế chắc chắn, độ hoàn thiện cao và chất lượng gia công tỉ mỉ. Hệ thống housing, dây, jack, mic điều khiển đều được chăm chút để mang lại cho người dùng cảm giác sử dụng thoải mái nhất. Khả năng đánh tạp của Piston 3 thậm chí còn tốt hơn cả Piston 2 lẫn Piston Iron khi chơi tốt nhiều thể loại khác nhau từ pop, jazz, rock hay cả Dance, EDM.
Xiaomi Piston Youth được xem là phiên bản rút gọn của chiếc tai nghe Piston 3.0, sở hữu chất âm mạnh mẽ, khỏe khoắn khi nhấn mạnh vào dải bass. Nếu đã từng nghe SoundMagic Pl1, có lẽ bạn sẽ dễ dàng nhận ra gu nhạc của Xiaomi Piston Youth: nhạc trẻ, nhạc dance, nhạc thị trường.
Jelly Doux (từ 550.000 VNĐ)
Jelly Doux là mẫu tai nghe được chế tác thủ công mới nhất của team Joinhandmade (Việt Nam) với hai phiên bản Standards và Vogue. Điểm đặc biệt trên Jelly Doux là thiết kế rất trẻ trung với khả năng tùy biến gần như là vô hạn từ 12 lựa chọn màu củ tai, 3 màu dây và thậm chí có thể khắc chữ với tối đa 12 ký tự lên phần mic/phím bấm.
Jelly Doux
Nếu muốn chiếc tai nghe của mình là độc nhất, bạn có thể chọn mỗi bộ phận một màu riêng (tùy chọn bản Vogue) để tạo nên phiên bản pha trộn mọi màu sắc. Với giá bán thấp hơn, phiên bản Standards vẫn cung cấp 24 tùy chọn màu sắc, với mỗi màu củ tai tương ứng với hai lựa chọn màu dây là xám hoặc đen.
Về chất âm, Jelly Doux đã có sự cải thiện đáng kể với nhiều kinh nghiệm thu được từ 3 phiên bản trước đó. Khác hoàn toàn với phiên bản Jelly Galaxy kiểm soát dải âm không tốt hay Jelly Ear bị thọt bass, Jelly Doux sỏ hữu dải âm khá cân bằng với bass chắc, gọn gàng hơn cùng âm treble khá chi tiết.
RHA S500 (980.000 VNĐ) / RHA MA350 (850.000 VNĐ)
RHA S500 là chiếc tai nghe mới nhất trong phân khúc tầm trung của nhà sản xuất âm thanh có trụ sở tại Glasgow, Scotland, Vương quốc Anh. Vẫn giữ thiết kế sang trọng giống như những phiên bản tiền nhiệm như MA750, T10i hay T20, toàn bộ housing của S500 được hoàn toàn từ nhôm kim loại, trọng lượng nhẹ nhàng và cảm giác đeo thoải mái.
Bên cạnh đó, dây dù chống đứt, jack chữ I mạ vàng cùng thời gian bảo hành lên tới 3 năm luôn làm người dùng an tâm về chất lượng hoàn thiện sản phẩm của chiếc tai nghe này.
RHA S500
Chất âm của RHA S500 cũng đi ngược với những đối thủ trong cùng phân khúc: không tập trung quá nhiều vào dải bass, mid trung tính ít màu mè và đặc biệt là một âm treble rất sáng, lạnh và chơi instrumental tuyệt vời. Một điều cộng nữa cho RHA S500 chính là âm trường thoáng đãng và độ chi tiết đáng nể, mang lại cảm giác thoải mái, thư giãn cho người nghe trong thời gian dài.
Bên cạnh đó, RHA MA350 cũng là một sự lựa chọn hợp lý với thiết kế khá đơn giản, không bắt mắt nhưng rất chắc chắc và bền bỉ. Những nhà phê bình, tạp chí âm thanh danh tiếng trên thế giới như: what hi*fi , Audioholics, head-fi... đều đánh giá rằng chất âm của MA350 thực sự vượt trội trong tầm giá.
RHA MA350
Chiếc in-ear này phù hợp với gu nhạc của nhiều bạn trẻ hiện nay: bass sâu, nhiều về lượng, rất nhiều về lượng, mid nhẹ nhàng không để nhiều ấn tượng, treble chi tiết. Bạn thích nghe nhạc dance, EDM, pop, rap? Đây sẽ là một lựa chọn đáng chú ý. Tuy nhiên nếu tai bạn hay ra mồ hôi thì có một lời khuyên nho nhỏ là nên xem xét kĩ sản phẩm vì tai nghe này có thể bị imbalace khi màng filter của tai bị dính ẩm.
Knowledge-Zenith
KZ ATES: 450.000 VNĐ
KZ ED9: 460.000 VNĐ
Giống như anh bạn đồng hương VE Monk Plus, những chiếc in-ear đến từ KZ cũng nổi danh trên head-fi nhờ chỉ số hiệu năng/giá thành bá đạo trong phân khúc giá 10-20 USD. KZ ATES, ZS2 hay ED9 đều sở hữu thiết kế đẹp mắt, chất lượng hoàn thiện khá tốt dù đôi khi vẫn xuất hiện lỗi vặt trên một số sản phẩm.
KZ ATE S
KZ ATE S sở hữu chất âm thiên tối, ấm áp (low-mid khá dày, high-mid mỏng), độ chi tiết tốt và có hơi hướng V-Shaped. Bass khá về lượng, sub-bass đánh khá sâu tuy nhiên tốc độ, kiểm soát chỉ ở mức vừa phải và có một chút kéo đuôi. Âm trường của ATE S khá rộng - một trong những chiếc in-ear có soundstage thoáng đãng nhất đến từ KZ.
Về thể loại nhạc, dù có khả năng đánh tạp khá ổn nhưng ATE S sẽ hợp nhất với EDM (Trance, Dubstep, Electronic), Pop hoặc đâu đó là Vocal (mid hơi lùi nhưng chi tiết tốt, không bị lấn át quá bởi bass). Ngoài ra, quá trình trải nghiệm cũng cho thấy ATE S phụ thuộc khá nhiều vào tips, vì vậy bạn nêu lưu ý chọn đúng loại tips fit tai của mình - để tránh trường hợp bass lùng bùng hay lọt tiếng ra ngoài.
KZ ED9
Không sở hữu vẻ ngoài quá hào nhoáng, nhưng KZ ED9 thực sự là một trong những chiếc in-ear có p/p tốt nhất thời điểm hiện tại, với chất âm thiên sáng, chi tiết, kỹ thuật tốt và âm trường thực sự đáng nể so với những đối thủ trong cùng phân khúc.
Bass của ED9 đánh khá gọn nhưng không nhiều, tập trung vào mid-bass nên có cảm giác hơi nông, những đôi tai thích Dance, EDM có thể thay filter tăng bass để đủ độ "ép phê". Mid hơi khô nhưng bù lại, dải treble trên chiếc in-ear này rất ấn tượng, sắc nét, tươi sáng và extension. Với bộ filter đi kèm, khả năng chơi tạp của ED9 là thực sự bá đạo, vượt tầm của những Xiaomi Piston hay Rock Zircon trong tầm giá rẻ.
Qua bài viết này, chúng tôi hi vọng những "tân sinh viên" sẽ chọn được những chiếc tai nghe ưng ý để thưởng thức âm nhạc, cũng như phục vụ công việc học tập, giải trí,... trong năm học mới.
Các tin khác